Wednesday, August 10, 2011



Địa đạo Củ Chi là một địa điểm lịch sử mà sinh viên nào cũng muốn một lần được đến thăm, nhất là các bạn sinh viên ở các tỉnh xa về thành phố Hố Chí Minh học tập. Vậy nên khi Khoa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông báo kế hoạch đi tham quan - học tập thực tế tại Địa đạo Củ Chi đã làm cho các bạn sinh viên rất háo hức.

Với mục đích nâng cao chất lượng học tập các môn Khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn lý luận với thực tiễn,… Trong học kỳ II năm học 2006-2007, Khoa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức cho hơn 1.000 sinh viên của các Khoa Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sau thu hoạch, Du lịch, Quản trị Kinh doanh, Quản trị Bệnh viện đi tham quan các Bảo tàng trong thành phố Hồ Chí Minh như Bao tàng Hồ Chí Minh - Bến cảng Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bào tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và Địa đạo Củ Chi. Các chuyến đi này diễn ra thành công tốt đẹp, đã để lại cho sinh viên Hùng Vương nhiều cảm xúc, những ấn tượng sâu đậm. Nhưng có lẽ, trong những chuyến đi tham quan học tập thực tế đó, sinh viên Hùng Vương sẽ nhớ mãi chuyến hành quân về Đất thép - Địa đạo Củ Chi.
Đúng 6h30 phút, đoàn xe chở sinh viên Hùng Vương bắt đầu lăn bánh tiến về Địa đạo Củ Chi. Đây là chuyến đi được Trường tài trợ 100% từ xe đưa đón đến lệ phí tham quan. Một số bạn hơi mệt vì bị say xe nhưng không khí trên xe vẫn rất sôi nổi với những trò chơi sinh hoạt tập thể. Những bài hát “Hát mãi khúc quân hành”, “Bài ca Trường Sơn”, “Tiến về Sài Gòn”,… được cất cao trên chuyến xe tiến về Củ Chi Đất thép dài hơn 70 km. Sau hai tiếng hành quân, sinh viên Hùng Vương đã có mặt tại Địa đạo Củ Chi vào lúc 8h30 phút.
Địa điểm đầu tiên đoàn tham quan là Đền Bến Dược, cổng tam quan, nhà bia, tháp 9 tầng và ngôi điện chính. Các bạn sinh viên đã dâng lên những bó hoa tươi thắm và thắp lên bia đá những nén hương để tưởng nhớ những người con của dân tộc đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng.
Sau khi làm lễ và tham quan Đền Bến Dược xong, đoàn tiếp tục chuyến tham quan của mình tới khu vực tái hiện Vùng giải phóng. Tại đây, sinh viên đã rất bất ngờ khi được xem lại hình ảnh tái hiện lại của vùng ấp chiến lược, đồn bốt của địch, vành tranh chấp giữa ta và địch… vào thời kỳ 1960- 1964 của quê hương Củ Chi, những hình ảnh sinh hoạt của quân và dân Củ Chi vào những năm 1964- 1965. Những cảnh quân dân ta xây dựng chiến hào, quân dân du kích triển khai các trận đánh, luyện tập. Sinh viên cũng nhận thấy được sự lạc quan yêu đời của quân dân Củ Chi với hình ảnh đoàn văn công biểu diễn văn nghệ…
Khi đến tham quan khu vực Địa đạo, sinh viên cũng được xem lại những đoạn phim tư liệu ghi lại cảnh sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân Củ Chi, được các hướng dẫn viên trong trang phục quân đội giới thiệu tổng quan về Địa đạo. Các bạn sinh viên đã rất háo hức khám phá một “thành phố thu nhỏ dưới lòng đất”. Tiến vào trong lòng Địa đạo, các bạn được nhìn thấy những hầm tư lệnh, trạm xá, lớp học, phòng nghỉ, nhà ăn, giếng nước… tất cả đều nằm sâu dưới lòng đất và điều bất ngờ đối với các bạn sinh viên có lẽ là được tận mắt nhìn thấy bếp ăn Hoàng Cầm. Bếp Hoàng Cầm là một biểu hiện rất hùng hồn về sự sáng tạo, thông minh của con người Việt Nam. Bếp được xây dựng hết sức khoa học, khi nấu khói bốc lên phải qua rất nhiều lớp và cuối cùng khi thoát ra ngoài chỉ còn là một làn sương mờ ảo mà máy bay của địch bay từ trên cao không thể phát hiện được. Cũng tại nơi đây sinh viên được thưởng thức món khoai mì và cơm nắm, những món ăn rất quen thuộc, những món ăn chính của quân và dân Củ Chi trong những tháng ngày chiến đấu.

  Điểm nhấn của chương trình tham quan buổi chiều bắt đầu với chương trình “Rung chuông vàng tại Đất thép Củ Chi”. Nếu như các chuyến tham quan trước, Khoa thường tổ chức cho sinh viên các trò chơi như nhảy bao bố, kéo co… thì trong chuyến đi này Khoa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn trường tổ chức trò chơi với hình thức mới hơn. Đó là sự kết hợp “Học và chơi” với chương trình “Rung chuông vàng”. Các câu hỏi của chương trình xoay quanh về kiến thức lịch sử, văn hóa, kinh tế,…của đất nước. Sinh viên trả lời đúng được tiếp tục thi đấu, trả lời sai sẽ phải rời khỏi sân thi đấu. Sau 10 câu hỏi, Ban tổ chức đã tiến hành cho các bạn khán giả “ Cứu trợ” bạn mình trở lại sàn thi đấu. Với hình thức và nội dung như trên truyền hình tổ chức đã làm cho cuộc thi diễn ra rất sôi nổi, cuốn hút, hấp dẫn…

Chuyến tham quan học tập thực tế tại Địa đạo Củ Chi đã khép lại với bao điều để nhớ. Những buổi học thực tế này là rất cần thiết và có ý nghĩa với sinh viên. Và đa số sinh viên mong muốn những buổi học như thế này sẽ được tăng cường nhiều thêm trong chương trình học của mình.

No comments:

Post a Comment